Nhãn hiệu tập thể Ngựa bạch Hữu Kiên

  4/6/2020; 16:04

NHÃN HIỆU TẬP THỂ NGỰA BẠCH HỮU KIÊN

Qua thực tế cho thấy những sản phẩm đặc sản của địa phương sau khi được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đã có những thuận lợi nhất định trong việc quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, thâm nhập thị trường,… Tiếp tục mục tiêu hỗ trợ xác lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ  cho các sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ lực của địa phương góp phần phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 975/QĐ-UBND, ngày 03/6/2017, Phê duyệt chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó, sẽ hỗ trợ xác lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ lực của địa phương. “Xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm từ Ngựa bạch của huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn” là một trong những nhiệm vụ được phê duyệt.

Dự án “Xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm từ Ngựa bạch của huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn” được thực hiện trong thời gian 18 tháng (từ tháng 6/2018 đến tháng 12/2019). Nhằm nâng cao giá trị, danh tiếng của sản phẩm từ Ngựa bạch của huyện Chi Lăng  trên thị trường.

Mục tiêu chung của dự án: Thiết lập cơ chế bảo hộ, quản lý và khai thác nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm từ Ngựa bạch nhằm nâng cao giá trị, danh tiếng của sản phẩm bản địa mang nhãn hiệu tập thể trên thị trường; Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho cộng đồng người dân vùng chăn nuôi Ngựa bạch trong việc sử dụng nhãn hiệu tập thể, chống các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; Góp phần đảm bảo đời sống cho người sản xuất và giữ gìn, phát huy các giá trị kinh tế, xã hội của sản phẩm từ Ngựa bạch cho huyện Chi Lăng.

Ngựa bạch hay còn gọi là Ngựa bạch tạng; Ngựa trắng trội (Dominant White – ký hiệu D) là những cá thể Ngựa có bộ lông màu trắng tuyền xuất hiện do tương tác củacác gen lặn (alen lặn) thông qua hiện tượng đột biến. Những đột biến này có thể là ngẫu nhiên và xuất hiện ở các cá thể Ngựa mang tính chất vãng lai nhưng cũng có thể được chọn lọc, giữ lại nhân giống để trở thành một giống Ngựa như giống Ngựa bạch Việt Nam, Ngựa bạch Mỹ, Ngựa bạch Pháp, Ngựa Camarillo,... chúng là những cá thể Ngựa thuộc thể loại Ngựa trắng nhưng có lông màu trắng tuyền hoặc trắng ánh kim hay hồng nhuận, màu trắng tuyền là trội so với các màu tuyền khác. Những cá thể Ngựa bạch tương đối quý hiếm do tỷ lệ xuất hiện thấp, do vậy một số nơi nhân nuôi Ngựa bạch thành quần thể để bảo tồn. Ngựa bạch là giống Ngựa quý hiếm, có thể dùng thịt và xương để làm thuốc chữa bệnh, giống Ngựa này ít bệnh tật, không mất nhiều công chăm sóc. Ngựa bạch Việt Nam là dòng Ngựa quý hiếm, có số lượng rất ít, được phân bố rải rác ở một số tỉnh miền núi  Đông Bắc Việt Nam , trong đó được nuôi nhiều nhất ở  Thái Nguyên ,  Bắc Giang ,  Lạng Sơn  và  Cao Bằng . Tại Lạng Sơn Ngựa Bạch được nuôi chủ yếu ở ba tỉnh là Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Giang. Tại Lạng Sơn, Ngựa bạch được nuôi nhiều nhất ở xã Hữu Kiên huyện Chi Lăng, hiện toàn xã có gần 1.000 con, chiếm gần 1/3 số Ngựa nơi đây. Ngựa bạch được người dân chăn nuôi từ hơn 30 năm trước do nhận thấy giống này hợp với khí hậu và sinh trưởng tốt nên nhiều nhà phát triển đàn. Mặc dù vốn đầu tư ban đầu tương đối cao, nhưng chăn nuôi Ngựa bạch không mất nhiều công sức, tận dụng luôn nguồn cỏ, ngô, thóc với điều kiện khí hậu phù hợp Ngựa bạch nuôi tại Hữu Kiên, Chi Lăng có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, được nhiều khách tìm mua. Ngựa bạch nuôi tại Hữu Kiên, Chi Lăng có đặc điểm toàn thân Ngựa có lông màu trắng, da trắng hồng, viền mắt màu hồng, con ngươi màu đỏ hồng, nếu soi đèn vào mắt Ngựa ban đêm có màu đỏ rực. Mũi, miệng và bộ phận sinh dục của Ngựa có màu hồng đỏ, bộ móng màu trắng ngà. Thời gian Ngựa mang thai là 11 tháng, ngay sau khi sinh con 10-30 ngày, Ngựa mẹ đã có thể phối giống. Thức ăn của Ngựa bạch chủ yếu từ nguồn cỏ cây trên đồi núi, khi về nhà được chủ bổ sung ngô, cám. Ngựa bạch cái 3 năm có thể sinh sản.

Tại xã Hữu Kiên của huyện Chi Lăng Ngựa bạch được nuôi để lấy thịt và nấu cao. Mỗi con non sau khi cai sữa 5 tháng được thương lái mua với giá khoảng 20 triệu; Ngựa 3 năm tuổi có giá khoảng 60 triệu, những con già hơn một chút để lấy xương nấu cao giá 70-80 triệu đồng. Thị trường tiêu thụ chính là Hải Phòng, Nam Định, Thái Nguyên, Hà Nội,...Tuy nhiên, hiện nay cũng chưa có một nghiên cứu thực nghiệm nào về chất lượng sản phẩm Ngựa bạch chăn nuôi tại Hữu Kiên, Chi Lăng. Các sản phẩm từ Ngựa bạch như thịt, cao Ngựa,... cũng chưa được bảo hộ quyền SHTT nên thường bị các sản phẩm cùng loại khác lợi dung danh tiếng, uy tín làm ảnh hưởng giá bán trên thị trường nên chưa phản ánh được giá trị thực tế. Việc sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm chưa có sự liên kết giữa doanh nghiệp và người chăn nuôi nên sản phẩm chủ yếu hiện nay chỉ có thịt tươi và cao được chế biến và bảo quản theo phương thức thủ công, tiêu thụ manh mún, nhỏ lẻ.

Để phát triển chăn nuôi Ngựa bạch tập trung tại Hữu Kiên, Chi Lăng, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, tăng thu nhập cho người nông dân thì việc “Xây dựng NHTT thể cho sản phẩm từ Ngựa bạch của huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn” là cần thiết trong điều kiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp với mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm hàng hóa.

Mục tiêu cụ thể của dự án: Xây dựng được bản đồ ranh giới vùng chăn nuôi Ngựa bạch đăng ký bảo hộ NHTT trên địa bàn huyện Chi Lăng; Thiết kế được bộ logo, tem nhãn, bao bì  cho sản phẩm từ Ngựa bạch  huyện Chi Lăng;  Xây dựng được Quy chế quản lý và sử dụng NHTT  cho phẩm từ Ngựa bạch  huyện Chi Lăng; Xây dựng được Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc, chế biến các sản phẩm từ Ngựa bạch huyện Chi Lăng; Xây dựng được Quy chế sử dụng tem, nhãn và các hình thức sử dụng NHTT Ngựa bạch huyện Chi Lăng. Các sản phẩm đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho Ngựa bạch huyện Chi Lăng bao gồm: thịt Ngựa bạch tươi, thịt Ngựa bạch chế biến và cao Ngựa bạch.

Bên cạnh những mục tiêu cụ thể, dự án còn đề ra mục tiêu lâu dài là: Nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể; Liên kết các hộ chăn nuôi Ngựa bạch tại khu vực các xã với các doanh nghiệp thu mua, từng bước xây dựng và phát triển chuỗi giá trị cho các sản phẩm từ Ngựa bạch huyện Chi Lăng; Tạo môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái gắn với vùng sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh để tăng thu nhập, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh – chính trị cho huyện Chi Lăng.

Ngựa bạch  Việt Nam là dòng ngựa quý hiếm, có số lượng rất ít, được phân bố rải rác ở một số tỉnh miền núi  Đông Bắc Việt Nam như: Thái Nguyên, Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng. Tại Lạng Sơn, Ngựa bạch được nuôi nhiều nhất tại xã Hữu Kiên huyện Chi Lăng. Hiện nay toàn xã có gần 1.000 con, chiếm 1/3 số ngựa nuôi tại huyện Chi Lăng.  Ngựa bạch được thương lái mua với giá thành cao từ 20 triệu -80 triệu/1 con, tăng thu nhập cho người dân vùng chăn nuôi ngựa, giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo và tiến tới làm giàu dựa vào chăn nuôi ngựa bạch trong những năm tới.

Dự án “Xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm từ Ngựa bạch của huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn” được giao chủ trì và thực hiện cho Trung tâm ứng dụng Phát triển khoa học Công nghệ và Đo lường chất lượng sản phẩm, thuộc Sở Khoa học và Công Nghệ.

Sau khi hết thời gian thực hiện Dự án,  Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã tiến hành họp đánh giá, nghiệm thu kết quả Dự án theo các quy định hiện hành. Theo đó, nội dung thực hiện của Dự án đã đảm bảo các yêu cầu theo quy định hiện hành và được Hội đồng đánh giá nhất trí nghiệm thu.

Dự án đã xây dựng thành công được Nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm Ngựa bạch huyện Chi Lăng và đã được cấp văn bằng bảo hộ. Dự án góp phần nâng cao giá trị, danh tiếng của sản phẩm từ Ngựa bạch huyện Chi Lăng trên thị trường; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho cộng đồng người dân vùng chăn nuôi; nâng cao đời sống của người dân nói riêng và kinh tế - xã hội của huyện Chi Lăng nói riêng và của tỉnh nói chung.

Hoàng Thị Hiên