Nhãn hiệu tập thể: Ba Kích Đình Lập (2018)
Xây dựng Nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm Ba Kích của huyện Đình Lập góp phần mở ra hướng đi mới cho cây dược liệu.
Ba Kích Đình Lập là Nhãn hiệu tập thể được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ số 4-0307908-000 ngày 12/11/2018 cho sản phẩm Ba Kích của huyện Đình Lập. Nhãn hiệu được cấp cho Chủ sở hữu là Hội làm vườn huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn. Chi tiết thông tin về Nhãn hiệu tập thể Ba Kích Đình Lập được xem tại đây.
Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu tập thể Ba Kích Đình Lập
Ba Kích được biết đến là một loại dược liệu quý, có vị cay, ngọt, tính ấm. Là vị thuốc quý được sử dụng lâu đời trong y học cổ truyền ở Việt Nam và Trung Quốc, rễ Ba Kích được sử dụng rộng rãi trong dân gian với các tác dụng như: bổ thận, tráng dương cường gân cốt, khử phong thấp… Ba Kích có tác dụng rõ rệt đối với bệnh nhân tuổi già, suy nhược cơ thể mệt mỏi, ngủ kém. Ngoài ra còn có tác dụng giảm các triệu chứng đau khớp của các bênh nhân đau khớp. Dịch chiết Ba Kích có tác dụng chống viêm, giảm huyết áp, chống oxy hóa.
Nhãn hiệu tập thể Ba Kích Đình Lập
Theo kết quả điều tra của các tài liệu cộng với điều tra sơ bộ cho thấy trên địa bàn huyện Đình Lập các loại cây dược liệu như Sa nhân, Ba kích…đã có từ lâu đời và được mọc trong tự nhiên chủ yếu là mọc dưới tán cây rừng, từ lâu bà con nhân dân đã biết dùng các loại cây này để làm thuốc chữa bệnh. Trước nhu cầu về dược liệu, do sự tác động của người thu mua, nhận thức và ý thức của người dân nên việc khai thác tài nguyên dược liệu thường diễn ra bừa bãi, không chú ý đến khả năng tái sinh của các loài.
Trong quá trình xây dựng Nhãn hiệu tập thể Ba Kích Đình Lập, tiêu chí, tiêu chuẩn cho sản phẩm Ba kích mang nhãn hiệu tập thể cũng được xác định: Để sản phẩm được bảo hộ, đồng thời có được các tiêu chí rõ ràng phân biệt giữa Ba kích với các loại dược liệu khác, cần xác định được các tiêu chí cụ thể từ nguồn gốc cây giống, đặc điểm hình thái đến các chỉ số lí hóa củ tươi, khô. Từ đó giúp người tiêu dùng nhận biết được củ Ba kích, nâng cao danh tiếng sản phẩm được bảo hộ cần xác định được các tiêu chí sản phẩm được gắn nhãn hiệu.
Căn cứ các tài liệu nghiên cứu về Ba kích trước đó và thực tế sản phẩm Ba kích, sản phẩm dự kiến mang nhãn hiệu tập thể của huyện được chọn gồm các tiêu chí sau:
- Về nguồn gốc sản phẩm: phải được sản xuất, chế biến từ nguồn nguyên liệu có nguồn gốc từ huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn.
- Đối với củ Ba kích tươi (củ Ba kích tươi): Củ Ba kích tươi được hình thành từ rễ có hình trụ tròn hoặc hơi dẹt; dài và cong queo. Vỏ củ Ba kích có màu nâu xám hoặc nâu nhạt, bề mặt vỏ có nhiều vân ngang, dọc đan xen nhau. Trên bề mặt củ có nhiều chỗ nứt ngang, thậm chí có chỗ nứt sâu tới lõi. Mặt cắt ngang củ thấy phần thịt dày màu tím xám hoặc nâu tím, giữa củ là lõi gỗ nhỏ đường kính khoảng 1- 1,5 mm có màu vàng nâu. Thịt củ có vị cay, hơi chát nhai kỹ có vị ngọt.
Các chỉ tiêu lý, hóa của củ Ba kích tươi:
STT |
Tên chỉ tiêu |
Tỷ lệ |
Chỉ số |
1 |
Hàm lượng Anthraglycoside |
% |
≥ 0,82 |
2 |
Hàm lượng Anthraquinone |
% |
≥ 1,50 |
3 |
Hàm lượng Acid hữu cơ |
% |
≥ 1,35 |
4 |
Hàm lượng Vitamin C |
% |
≥ 0,72 |
- Đối với củ Ba kích khô (củ Ba kích sấy khô): Củ Ba kích sau khi được làm khô có màu tím xám hoặc nâu tím. Ba kích khô có hình trụ hình tròn được cắt thành từng đoạn dài từ 2-5cm, rỗng ở giữa do đã được rút lõi. Thịt củ có vị cay, chát nhai kỹ có vị ngọt.
Các chỉ tiêu lý, hóa của củ Ba kích khô:
STT |
Tên chỉ tiêu |
Tỷ lệ |
Chỉ số |
1 |
Hàm lượng Anthraglycoside |
% |
≥ 1,09 |
2 |
Hàm lượng Anthraquinone |
% |
≥ 3,64 |
3 |
Hàm lượng Acid hữu cơ |
% |
≥ 1,23 |
4 |
Hàm lượng Vitamin C |
% |
≥ 0,05 |
- Đối với sản phẩm Rượu Ba kích: Rượu Ba Kích là rượu trắng ngâm với củ Ba kích tươi hoặc khô. Sau khi ngâm rượu Ba kích có màu đen tím hoặc đen xanh. Khi được pha loãng có màu tím.
Dự án xây dựng NHTT “Đình Lập” cho sản phẩm Ba kích của huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn hướng tới hai mục tiêu chính sau: (1) Thiết lập cơ chế bảo hộ, quản lý và khai thác nhãn hiệu tập thể Đình Lập cho sản phẩm Ba Kích nhằm nâng cao giá trị, danh tiếng của sản phẩm bản địa mang nhãn hiệu tập thể trên thị trường; (2) Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho cộng đồng người dân vùng trồng Ba Kích huyện Đình Lập trong việc sử dụng nhãn hiệu tập thể, chống các hành vi xâm phạm quyền; Góp phần đảm bảo đời sống cho người sản xuất và giữ gìn, phát huy các giá trị kinh tế, xã hội, văn hoá của sản phẩm Ba Kích cho huyện Đình Lập.
Theo Đề án Phát triển vùng trồng cây dược liệu giai đoạn 2016 – 2020 trên địa bàn huyện Đình Lập, để khai thác tối đa tiềm năng về đất đai, lao động, truyền thống để mở rộng diện tích, đưa cây dược liệu trở thành một trong những sản phẩm hàng hoá nông nghiệp chủ lực của huyện, kết nối với sản phẩm chủ lực của tỉnh. Thực hiện đồng bộ các giải pháp về giống, quy trình kỹ thuật, chế biến và thị trường tiêu thụ, đưa các giống cây dược liệu quý có năng suất, chất lượng cao phù hợp với nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Huyện Đình Lập sẽ tập trung phát triển sản xuất cây dược liệu là hướng quan trọng giúp đa dạng hóa các mặt hàng nông nghiệp, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân và cung cấp nguyên liệu để sản xuất thuốc phục vụ chăm sóc sức khỏe của người dân trong nước, hướng tới xuất khẩu. Theo đó trong giai đoạn 2016 – 2020 sẽ xây dựng vùng sản xuất cây dược liệu tập trung có chất lượng cao tại các xã, thị trấn huyện Đình Lập với quy mô 702 ha. Trong đó tập trung trồng mới 200 ha cây Ba kích để tạo công ăn việc làm thường xuyên cho trên 1.000 hộ với hơn 2.500 lao động, phấn đấu giảm nghèo cho trên 500 hộ.
Thông tin trên hệ thống thư viện tra cứu của Cục Sở hữu trí tuệ (http://iplib.noip.gov.vn/WebUI/WSearch.php)
Ngày 03/6/2017, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Quyết định số 975/QĐ-UBND “Quyết định phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016 – 2020”, trong đó có Dự án “Xây dựng nhãn hiệu tập thể “Đình Lập” cho sản phẩm Ba kích của huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn”. Trong khuôn khổ của dự án để thực hiện các nội dung đã được thực hiện như: "Điều tra, khảo sát thực trạng sản xuất, kinh doanh và xác định vùng trồng Ba kích và đánh giá chất lượng của sản phẩm Ba kích của huyện Đình Lập; Thiết kế logo NHTT Ba kích Đình Lập; Xây dựng hệ thống công cụ, phương tiện để quản lý NHTT; Lập hồ sơ đăng ký NHTT Ba kích Đình Lập; Xây dựng các phương tiện, điều kiện và phương án khai thác NHTT “Đình Lập” cho sản phẩm Ba kích; Tổ chức Lễ công bố NHTT “Ba kích Đình Lập”; Triển khai thực hiện thí điểm hoạt động quản lý và khai thác NHTT."
Từ thực tế cho thấy những sản phẩm đặc sản của địa phương sau khi được bảo hộ đã có những thuận lợi nhất định trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm và thâm nhập thị trường,… thể hiện qua việc đã có nhiều doanh nghiệp, cá nhân tìm đến địa phương để đặt vấn đều bao tiêu sản phẩm đặc sản đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng được danh tiếng, nhãn hiệu. Nhìn chung phát triển tài sản trí tuệ cho sản phẩm nông sản có ý nghĩa rất thiết thực, không chỉ cung cấp thông tin, luận cứ khoa học và thực tiễn giúp các cơ quan quản lý nhà nước hoạch định chính sách, hỗ trợ các vùng nông thôn tháo gỡ khó khăn, quy hoạch, phát triển sản xuất hàng hóa mà còn giúp nâng cao sức cạnh tranh và giá trị hàng hóa cho sản phẩm nông sản.
Vì vậy, việc xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm Ba kích của huyện Đình Lập tỉnh Lạng Sơn bước đầu mở ra hướng đi mới cho sản phẩm góp phần thúc đẩy việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp với mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp với mục tiêu lâu dài như: Nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm Ba Kích mang nhãn hiệu tập thể “Đình Lập”; Tạo lập và phát triển các kênh thương mại nhằm đảm bảo tính ổn định của đầu ra cho sản phẩm; Thiết lập và vận hành mô hình, cơ chế quản lý nhãn hiệu tập thể “Đình Lập” cho sản phẩm Ba Kích trên thực tế; Liên kết các hộ trồng Ba Kích tại khu vực các xã với các doanh nghiệp thu mua, chế biến kinh doanh Ba Kích. Tạo môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, hiệu quả phát triển bền vững, không ngừng cải thiện và nâng cao thu nhập cho nông dân. Góp phần xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh - chính trị cho huyện Đình Lập; Thu hút người dân tham gia xây dựng và sử dụng nhãn hiệu tập thể “Đình Lập” cho sản phẩm Ba Kích.
Thông qua Dự án, giúp người dân vùng trồng Ba kích huyện Đình Lập cũng như các hộ sản xuất, kinh doanh Ba kích nâng cao nhận thức pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ; khả năng triển khai các hoạt động nhằm đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể Ba kích Đình Lập góp phần tăng sức cạnh tranh về giá trị sản phẩm và phát triển thương hiệu bền vững. Đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Đình Lập trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của huyện.
Vy Thị Thúy
CÁC SỰ KIỆN, TIN TỨC KHÁC
Nhãn hiệu tập thể: Rượu Hội hoan (2019) 31/12/2018; 11:54
Nhãn hiệu tập thể: Rượu Hữu Lễ (2019) 31/12/2018; 11:52
Nhãn hiệu tập thể: Rau Lạng Sơn (2019) 31/12/2018; 11:42
Nhãn hiệu tập thể: Hoa quả tươi Hữu Lũng (2019) 31/12/2018; 11:28
Nhãn hiệu tập thể: Ngựa Bạch Hữu Kiên (2019) 31/12/2018; 11:25