NỮ GIÁM ĐỐC HỢP TÁC XÃ NĂNG ĐỘNG, LÀM KINH TẾ GIỎI
Năng động, ham học hỏi, dám nghĩ dám làm, Chị Vương Thị Thương - Giám đốc Hợp tác xã nông sản Toàn Thương, khu 5 Thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đã và đang đưa hoạt động của hợp tác xã ngày càng hiệu quả.
Là một người con bản địa, sinh ra và lớn lên dưới tán hồng, hơn ai hết chị Thương luôn luôn thấu hiểu nỗi vất vả của bà con trồng ra được quả hồng thơm ngon, giòn ngọt lại phải chạy đua với những nỗi lo được mùa mất giá, được giá mất mùa, giá cả thị trường bấp bênh cộng với chi phí phân bón ngày càng tăng khiến cho người dân trồng Hồng Vành Khuyên tại huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đã chặt bỏ đi rất nhiều. Bên cạnh đó, hàng năm có ít nhất 10% sản lượng bị hỏng (trong đó 5% bị hỏng do vận chuyển, 5% bị bỏ do chín quá hái ko kịp phải bỏ đi rất lãng phí). Ngoài ra còn vấn nạn phải đối diện với thiên tai những mảnh đất đang dần bị chết do cách canh tác truyền thống của bà con là dùng phân hóa học và thuốc diệt cỏ đã gây ra nhiều tác động xấu đến tài nguyên đất và sức khỏe con người.
Chị Vương Thị Thương, Giám đốc hợp tác xã nông sản Toàn Thương - khu 5, Thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn
Nhớ lại những năm trước đây phần lớn những người phụ nữ Tày, Nùng trên địa bàn huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn do thiếu kiến thức, công việc ko ổn định, dễ bị dụ dỗ vượt biên trái phép đi chặt mía, bốc vác, một số chị em phụ nữ đã rời bỏ quê hương đi làm thuê tại các khu công nghiệp, cảnh chồng xa vợ, con xa mẹ không còn quá xa lạ trên địa bàn huyện Văn Lãng.
Từ những trăn trở đó, từng là một giáo viên chị Thương đã đứng lên, bước ra khỏi vùng an toàn, bắt đầu hành trình đi tìm công nghệ cho Hồng Vành Khuyên, từ đó phát triển chuỗi giá trị hồng Vành khuyên treo gió hữu cơ nhằm tạo việc làm và sinh kế bền vững cho chính bản thân, gia đình và xã hội, đặc biệt là tạo việc làm mới cho nhiều chị em phụ nữ dân tộc Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn.
Dự án hồng Vành Khuyên treo gió của chị Thương đi vào hoạt động từ tháng 9 năm 2022. Tuy mới đi vào hoạt động một thời gian ngắn vẻn vẹn 9 tháng và cũng là cơ sở đầu tiên cho ra thị trường dòng sản phẩm hồng treo gió khu vực phía bắc đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại cục sở hữu trí tuệ, cấp mã số mã vạch tại cục tiêu chuẩn đo lường kiểm nghiệm và công bố sản phẩm, truy xuất nguồn gốc đến tận vùng nguyên liệu, đến tận cây trồng,… Năm 2022, chị Thương bước đầu đã thu được một số thành quả nhất định như: liên kết tiêu thụ cho bà con nông dân trồng hồng 880 tấn hồng tươi, sản xuất ra 5 tấn hồng treo gió và hồng sấy dẻo. Sản lượng sản xuất ra Hồng Vành Khuyên treo gió ko kịp trả khách đặt, 90% khách hàng phản hồi tốt về sản phẩm dẻo, ngon, giòn, ngọt tự nhiên, giá thành phù hợp; 70% khách hàng cũ quay lại mua sản phẩm; tăng 34% doanh thu từ 3,2 tỷ đồng lên 4,3 tỉ đồng ăm. Lợi nhuận dòng từ dự án đạt 512 triệu đồng ăm. Đóng góp vào ngân sách nhà nước 47 triệu đồng ăm. Giúp đỡ 2 hộ lao động nghèo và cận nghèo vươn lên xóa đói giảm nghèo. Trích 2% lợi nhuận từ dự án làm công tác từ thiện hỗ trợ các gia đình khó khăn và các hoạt động ý nghĩa khác như: ủng hộ xây dựng đường kiểm tra cột mốc bảo vệ biên giới...
Cơ sở sản xuất Hồng Vành Khuyên treo gió của chị Vương Thị Thương
Tháng 4/2023 chị Thương quyết định thành lập hợp tác xã nông sản Toàn Thương, tập trung sản xuất, chế biến và bảo quản rau quả, hoạt động dịch vụ trồng trọt và các dịch vụ sau thu hoạch. Hợp tác xã hiện có 07 thành viên là những người có nhiều năm kinh nghiệm trong phân phối hồng tươi trên khắp 50 tỉnh/thành cả nước. Lượng tiêu thụ hồng tươi mỗi ngày trung bình là 10 tấn/ngày và 900 tấn/1 vụ 3 tháng.
Từ hai bàn tay trắng, chị Thương đã tạo dựng một thương hiệu Hồng Vành Khuyên treo gió theo hướng hữu cơ đạt tiêu chuẩn VietGap, nhờ đó đã tăng giá trị quả hồng lên gấp nhiều lần, từ quả hồng tươi 15.000đ/kg được chế biến thành sản phẩm hồng treo gió có giá 300.000đ/kg. Góp phần bảo tồn và nâng tầm giá trị giống hồng Vành Khuyên của huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn.
Sản phẩm hồng Vành Khuyên treo gió của hợp tác xã nông sản Toàn Thương,Thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn
Đối với chị Thương, thành công không chỉ dành riêng cho bản thân mà chị vẫn miệt mài vừa học tập, vừa nghiên cứu thị trường trong nước và nước ngoài để có chiến lược phát triển tốt hơn, tìm đầu ra ổn định để tiêu thụ cho bà con trong huyện sau đó sang các huyện lân cận và rộng hơn là bao gồm các tỉnh phía bắc có sản lượng hồng lớn như Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La... tìm cách để liên kết sản xuất, mở rộng thị trường, mở rộng quy mô sản xuất, phát triển du lịch cộng đồng kết hợp du lịch trải nghiệm làm hồng treo gió tại vườn hồng, gìn giữ thương hiệu để người dân trồng hồng có thu nhập, đời sống thành viên hợp tác xã ngày càng được nâng lên. Từ đó bà con yên tâm tăng gia sản xuất, nâng cao hiệu suất làm việc, kịp thời đáp ứng yẻu cầu nguyên liệu đầu vào giúp hợp tác xã đủ khả năng cung cấp hàng ra nước ngoài, tăng doanh thu và lợi nhuận dòng hướng tới phát triển bền vững.
Quy mô sản xuất được mở rộng, hợp tác xã nông sản Toàn Thương đã tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động nữ với mức lương từ 8 - 9 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, với việc mở rộng vùng trồng hồng từ 20ha lên 50ha, hợp tác xã sẽ tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho hơn 100 hộ dân.
Theo chị Thương chia sẻ: Chị có khát khao sớm nhân rộng vùng trồng, tăng diện tích nhà xưởng, đưa thành phẩm xuất khẩu, tăng giá trị của Hồng Vành Khuyên Treo Gió - Sản phẩm của người Việt vươn ra thế giới. Mỗi hộp hồng là một câu chuyện về văn hóa Lạng Sơn. Điều này giúp địa phương nổi tiếng với sản phẩm độc đáo và chất lượng cao, thu hút khách du lịch và thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng.
Bao bì sản phẩm Hồng Vành Khuyên treo gió của Hợp tác xã nông sản Toàn Thương
Với sự năng động, tâm huyết, chịu khó, dám nghĩ dám làm mạnh dạn ứng dụng công nghệ hiện đại của nữ Giám đốc Vương Thị Thương đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện phát triển theo hướng hiện đại gắn với xây dựng nông thôn mới. Tháng 8/2023 vừa qua, tham gia vòng chung kết Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp – phát huy tài nguyên bản địa” cấp vùng khu vực miền Bắc do TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức chị vinh dự đạt giải Nhất với Dự án khởi nghiệp “Phát triển chuỗi giá trị hồng Vành Khuyên treo gió hữu cơ nhằm tạo việc làm và sinh kế bền vững cho phụ nữ dân tộc Tày, Nùng vùng biên giới Xứ Lạng”.
Hồng Thương – Ban GĐXH-KT- HLHPN tỉnh
CÁC SỰ KIỆN, TIN TỨC KHÁC
Lạng Sơn có hai dự án khởi nghiệp đạt giải tại Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” vòng chung kết khu vực miền Bắc năm 2023 22/9/2023; 10:40
Lạng Sơn có 2 dự án lọt vào vòng chung kết cấp vùng Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” 17/8/2023; 07:46
Tổ chức chấm Sơ khảo cuộc thi "Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" tỉnh Lạng Sơn năm 2023 16/8/2023; 10:39
THÔNG TIN CHUỖI CÁC SỰ KIỆN TECHFEST DONGNAI 2023 8/8/2023; 15:15
THÀNH VIÊN CÂU LẠC BỘ ĐẦU TƯ KHỞI NGHIỆP LẠNG SƠN VINH DỰ ĐÓN NHẬN DANH HIỆU DOANH NHÂN TRẺ KHỞI NGHIỆP XUẤT SẮC NĂM 2023 2/8/2023; 10:44
KẾT NỐI HỖ TRỢ TƯ VẤN CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ VÀ VẬT TƯ NÔNG NGHIỆP 5/7/2023; 13:51
Hội LHPN tỉnh tổ chức khóa học Kỹ năng lãnh đạo cho phụ nữ năm 2023 20/5/2023; 14:07
Hội thảo khoa học “Vai trò của công nghệ bảo quản và chế biến sản phẩm sau thu hoạch trong sản xuất Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn” 29/5/2023; 14:07