Mô hình trồng rau hữu cơ

  8/12/2021; 15:46

Dự án "Mô hình trồng rau hữu cơ" là dự án tiếp cận và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, việc trồng rau hữu cơ trong nhà lưới - nhà màng, như kiểm soát ánh sáng, nhiệt độ, dịch bệnh hại, kiểm soát chế độ dinh dưỡng,... từ đó cung cấp các sản phẩm sạch, đảm bảo chất lượng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng thời góp phần giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động tại địa phương góp phần xây dựng nông thôn mới; nâng cao lợi thế cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường và hướng tới xuất khẩu nông sản hữu cơ; xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản sạch, an toàn, thúc đẩy phát triển kinh tế.

 

 

Hình ảnh một góc của mô hình trồng rau hữu cơ

          Dự án "Mô hình trồng rau hữu cơ" có diện tích triển khai là 10.000m2, được trồng trong nhà màng có diện tích 4.000m2, gồm: 3.000m2 nhà sản xuất; 1.000m2 nhà ươm; diện tích ngoài trời là 6.000m2; Địa điểm: Thôn Kim Chòi, xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Dự án được triển khai với phương châm sản xuất 6 KHÔNG: Không bón phân hóa học; Không phun thuốc bảo vệ thực vật; Không dùng thuốc kích thích sinh trưởng; Không phun thuốc diệt cỏ; Không dùng sản phẩm biến đổi gen; Không dùng chất bảo quản.

Hình ảnh người công nhân đang thu hoạch rau

Dự án bao gồm một số loại rau được đưa vào sản xuất, như

- Rau ăn lá: Cải Kale, Cần Tây, Cải Bó Xôi, Mồng Tơi, Dền Cơm, Xà Lách, Các Loại Cải đặc sản Lạng Sơn, Bò Khai,…..

- Rau ăn thân: Củ Cải Đỏ, Củ Dền, Cà rốt, Su hào,….

- Rau ăn quả: Dưa Chuột Baby, Bí Đỏ, Cà Chua Cherry - Socola,…

Hình ảnh rau tại vườn

Hình ảnh Rau ăn thân - Củ Cải Đỏ tại vườn

Hình ảnh sản phẩm được đóng gói với bao bì, nhãn mác

Mô hình bao gồm 6 khu: Khu ủ và kho bảo quản phân hữu cơ; Khu nuôi nhân visinh; Khu bể lọc nước tưới; Khu vườn ươm; Khu vườn sản xuất; Khu sơ chế và đóng gói sản phẩm. Các khu vực được bố trí sao cho thuận tiện nhất cho việc trồng, chăm sóc thu hoạch và đóng gói. Cụ thể như:

- Khu ủ và kho bảo quản phân hữu cơ: Bố trí nằm ở giữa 2 khu: vườn ươm và vườn sản xuất có mái vòm tránh mưa, thuận tiện cho việc vận chuyển khi sử dụng lên luống cấy cây con và trộn giá thể ươm hạt giống.

- Khu nuôi nhân vi sinh: Bố trí cạnh khu bảo quản phân hữu cơ có mái che nắng che mưa, thuận tiện việc nhân vi sinh và phun cho toàn vườn rau.

- Khu bể lọc nước tưới: Bố trí ở phía trên đồi cao cạnh vườn ươm và vườn sản xuất, để tạo áp lực vận hành hệ thống tưới phun sương tự động và tưới dặm bằng tay.

- Khu vườn ươm: Chiếm khoảng 40% diện tích của khu vườn rau. Khu ươm hạt giống có mái vòm tránh mưa, xung quanh quây lưới tạo không gian thích hợp cho hạt giống phát triển và hạn chế sự xâm hại của các yếu tố ngoại cảnh như côn trùng, bệnh vào khu ươm...

- Khu vườn sản xuất: Có tổng diện tích 3000 m2 trong đó: diện tích mặt luống 2.500 m2. Đã xây dựng hệ thống thoát nước tránh ngập úng, khu vườn sản xuất có mái nilon che tránh mưa, được trang bị hệ thống tưới phun mưa tự động - tưới dặm, phun Vi Sinh

- Khu sơ chế đóng gói sản phẩm: Bố trí cạnh nhà điều hành, thuận tiện cho việc sơ chế và đóng gói, giữ được vị tươi ngon của rau xanh, thoáng mát và sạch sẽ, bảo đảm vệ sinh ATTP đến với tay khách hàng.

Sơ đồ khu vườn

          Các sản phẩm thu hoạch được phân phối vào chuỗi siêu thị BigC (Go Việt Nam), Vinmart Hà Nội và 1 số cửa hàng thực phẩm sạch ở thành phố lớn. Sản phẩm rau hữu cơ được sơ chế, đóng gói cẩn thận; có bao bì, tem nhãn đẹp mắt; có chứng nhận hữu cơ Việt Nam; chứng nhận Vệ Sinh An Toàn Thực Phẩm; có mã truy xuất nguồn gốc QRcode, gồm đầy đủ thông tin về lịch sử canh tác của từng loại rau.

Giấy chứng nhận sản phẩm Rau ăn lá, Rau ăn thân và rau gia vị

Mô hình “Trồng rau hữu cơ” tại Hợp Tác Xã Nông sản Hữu Lũng, xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng là mô hình áp dụng sản xuất nông sản canh tác hữu cơ, Vừa phát triển nông nghiệp sạch và bền vững; vừa có hiệu quả kinh tế. Mô hình này hoàn toàn có thể nhân rộng và triển khai liên kết sản xuất với những trang trại khác và hộ gia đình bà con nông dân. Sự thành công của mô hình sẽ tạo ra cách nhìn mới trong phát triển kinh tế trang trại, thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại ở tỉnh Lạng Sơn và góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa chất lượng cao, nông sản sạch.

Lưu Bá Mạc